Đường là một loại gia vị chủ yếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của con người, từ pha chế đồ uống, chế biến bánh kẹo cho đến nấu ăn... Ngoài ra nó còn được dùng như chất bảo quản cho thực phẩm.
Hẳn bạn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng, trong lịch sử, đường từng được coi là “vàng trắng”, có giá trị hơn cả loại vàng thông thường. Giữa thế kỷ XVI, người Ấn Độ khám phá ra cách tạo ra tinh thể đường. Và từ đây, một cuộc cách mạng mới bắt đầu nổ ra. Các nhà khai phá nước Anh gọi đường là "vàng trắng" không chỉ bởi tính chất đặc biệt của nó mà còn vì lợi nhuận do đường mang lại.
Ở Việt Nam, cách làm đường truyền thống bắt đầu với mía chặt từ ruộng gánh về một mái chòi, trong đặt một bộ "che" gồm hai khúc gỗ, thân gỗ lồi lõm ăn khớp với nhau, đặt trên hai trục song song để ghiền cán mía. Một đầu hai trục được giữ cố định. Đầu kia có thể xoay tròn để bắt vào ách cho trâu kéo theo đường vòng tròn cho bộ che lăn, ép mía. Nước mía chảy vào chậu và chuyển ra lò đường nơi nước mía được đun trong chảo lớn. Nước mía đun và lọc hai ba lượt khi đặc thì đổ vào cái "muống" hình phễu. Ở lỗ tháo thì bện rơm làm cái "nuồi". Nước mía được rót vào muống, rồi nuồi được tháo ra cho mật chảy ra. Còn lại trong muống là đường cát kết tinh. Đường cát sau đó đem đơm vào bát để bán.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đường được sản xuất với số lượng lớn, với những dạng thức đa dạng như: nước đường, đường cát trắng, đường phèn, đường ăn kiêng,… Mỗi loại sẽ có hình dạng, độ ngọt khác nhau và thường cũng có những ứng dụng riêng biệt cho nó.